Tổng quan về cây Tam Thất Bắc

1.420 views

Tên gọi khác: Sâm tam thất, Điền thất nhân sâm, Kim bất hoán

 Tên khoa học: Panax  notoginseng

 Họ: Nhân Sâm  (Araliaceae)

Công dụng: Hoạt huyết, bổ huyết, tiêu sưng, giảm đau, kích thích miễn dịch, giảm tốc độ phát triển của khối u.

1.Mô tả

  • Cây thảo, sống nhiều năm. Rễ củ hình con quay. Thân mọc thẳng, cao 30-50 cm, màu tím tía. Lá kép chân vịt, 3-4 cái mọc vòng gồm 5-7 lá chét hình mác, gốc thuôn, đầu có mũi nhọn, mép khía răng, hai mặt có lông cứng ở gân, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt.
  • Cụm hoa mọc thành tán đơn ở ngọn thân, hoa màu lục vàng nhạt,đài 5 răng ngắn, tràng 5 cánh rộng ở phía dưới, nhị 5, bầu 2 ô
  • Quả mọng, hình cầu dẹt, khi chín màu đỏ, hạt màu trắng
  • Mùa hoa : tháng 5-7, mùa quả : tháng 8-10

2. Phân Bố

  • Thế giới:Tam thất có nguồn gốc từ phía Nam Trung Quốc, cây được trồng nhiều nhất ở tỉnh Vân Nam – Trung Quốc, sau đến Quảng Tây và một số nơi khác như Đài Loan, Nhật Bản và Tiều Tiên.
  • Việt Nam : Tam thất là cây nhập trồng từ Trung Quốc( 1970 – 1984). Được trồng ở các vùng núi cao như : Các huyện Sapa, Lào Cai ( Bắc Hà), Hà Giang ( Quảng Bạ), Lai Châu ( Sìn Hồ), Đồng Văn ( Phó Bảng)

3. Cách trồng và thu hái

  • Tam thất ưa khí hậu á nhiệt đới, nhiệt độ trung bình 15 – 20ºC, cao nhất 33 – 34ºC, thấp nhất 2 – 3ºC, lượng mưa 1500 – 2700mm, độ ẩm không khí 80 – 90%, độ cao 800 – 1500m so với mực nước biển.
  • Đất vườn ươm phải là nơi cao ráo thoát nước, tiện chăm sóc, cày bừa kỹ, để ải, rải cỏ khô trên mặt rồi đốt để diệt mầm bệnh. Sau đó lên luống cao 15 – 20 cm; rộng 90 cm, rạch mặt luống thành hàng sâu 3 – 5cm, cách nhau 15 cm. Hạt gieo trên hàng cách nhau 5 – 7 cm, lấp đất, trên phủ rơm rạ mỏng và tưới giữ ẩm hàng ngày.
  • Tam thất bị khá nhiều sâu bệnh hại. Cần thường xuyên kiểm tra phát hiện và diệt trừ kịp thời.
  • Tam thất cần trồng ít nhất 5 năm mới được thu hoạch, càng để lâu càng tốt. Cần thu vào lúc cây bắt đầu ra hoa. Củ đào về bỏ rễ, rửa sạch đất, phơi gần khô, cho vào bao tải lăn hoặc dùng tay xoa cho nhẵn vỏ, sau đó lại đem phơi đến khô.

4. Bộ Phận dùng

Rễ tam thất bắc được thu hái trước khi ra hoa, rửa sạch, phơi hoặc sấy khô, rồi phân loại thành rễ củ, rễ nhánh và rễ cây

5. Thành phần hóa học

  • Thành phần chủ yếu là saponin (4,42-12,00%), thuộc kiểu protopanaxadiol và protopanaxatriol. Nhiều ginsenoid và glucoginsenoid.

  • Ngoài ra còn có các notoginsenoid. Có tinh dầu gồm: α-guaien, β-guaien và octadecan. Ngoài ra còn có flavonoid, phytosterol (β-sitosterol, stigmasterol, daucosterol), polysaccarid (ẩbinogalactan: sanchinan A), muối vô cơ (vết)

6. Tính vị và công năng

Tam thất có vị đắng, ngọt, tính ấm, vào các kinh: can, thận, có tác dụng hoạt huyết, bổ huyết, cầm máu, tiêu huyết ứ, tiêu sưng, giảm đau, giảm tốc độ phát triển của khối u.

7. Công dụng

  • Cầm máu, tiêu ứ huyết, tiêu sưng: trong tam thất bắc có nhiều chất khoáng như sắt, canxi,.. tăng cường bổ máu tan huyết ứ đọng. Đối với phụ nữ sau sinh, tam thất bắc giúp thay máu, tẩy máu cũ tạo máu mới, cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy sức sống.
  • Bồi bổ sức khỏe, tăng cường thể lực, điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể
  • Phòng ngừa và điều trị Ung thư: các hoạt Saponin, Flavonoid giúp giảm ngăn chặn sự lão hóa của tế bào, hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u bướu, tăng cường sức đề kháng, trợ sức trợ lực… kéo dài sự sống của người bệnh.

Tài liệu tham khảo:

Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam ( Tập II), Nhà xuất bản khoa học và kỹ thuật.( trang 775 – 780 )

  • Bình luận Facebook
  • Bình luận mặc định

Ý kiến của bạn

Ý kiến của bạn